
Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long1
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng2
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.
Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng.
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê mơ cảnh tiên
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta?
- Câu thơ này thường bị nhầm thành Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long [↩]
- Nguyễn Hoàng (1525-1613) là con trai thứ của Nguyễn Kim – người đã phò Trang Tông lên làm vua, lập ra nhà Lê Trung hưng. Năm 1545, Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Kiểm nắm mọi binh quyền, sát hại Nguyễn Uông – anh trai Nguyễn Hoàng. Để bảo toàn tính mạng, Nguyễn Hoàng xin đi trấn thủ Thuận Hóa (khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế ngày nay) và được Trịnh Kiểm ưng thuận (1558).
Là người tiên phong trong việc mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía nam, mở đầu cho việc hùng cứ phương nam của nhà Nguyễn, ông được nhân dân kính trọng và gọi là Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
[↩]