Bài Thơ Bánh Trôi Nước( Hồ Xuân Hương)-Vẻ Đẹp Của Người Phụ Nữ

maxresdefault 9

Bài thơ bánh trôi nước là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ của Hồ Xuân Hương. Bà được biết đến với mệnh danh là ” Bà chúa thơ nôm”. Bà có nhiều tác phẩm đặc sắc về cuộc đời và thân phận của người phụ nữ xưa. Những tác phẩm của bà không chỉ hay mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn. Hôm nay, các bạn hãy cùng Baithohay.com tìm hiểu và khám phá tác phẩm vang danh của bà nhé!

BÁNH TRÔI NƯỚC

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm mấy nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

I. Đôi Nét Về Tác Giả Hồ Xuân Hương

– Hồ Xuân Hương lai lịch chưa thật rõ. Nhiều sách vẫn nói bà là con Hồ Phi Diễn (1704-?), quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An

– Hồ Xuân Hương là con vợ lẽ, ông thân sinh ra Bắc dạy học, lấy vợ lẽ là người Bắc Kinh

– Gia đình Hồ Xuân Hương từng sống ở phường Khán Xuân, gần Hồ Tây của Hà Nội

– Hồ Xuân Hương được mệnh danh là Bà Chúa Thơ Nôm

II. Tìm Hiểu Về Bài Thơ Bánh Trôi Nước – Hồ Xuân Hương

1.Hoàn Cảnh Sáng Tác Bài Thơ Bánh Trôi Nước

Hoàn cảnh sáng tác: sống giữa một thời đại phong kiến xã hội trọng nam khinh nữa, đa thê thiếp khiến cho người phụ nữ phải chịu biết bao nhiêu là cảnh bất hạnh và những số phận bị hắt hủi đau thương. Bản thân là một nữ sĩ Hồ xuân Hương đồng cảm và thấu hiểu những nỗi bất hạnh của người phu nữ thời phong kiến cho nên bà đã chiêm nghiệm và sáng tác lên bài thơ này.
Xem thêm: 1001 bài thơ ngồi bên Mộ của Cha Mẹ với nỗi nhớ ơn sinh thành
2. Giá trị nội dung

– Bánh trôi nước là bài thơ có nhiều tầng ý nghĩa, với ý nghĩa tả thực là miêu tả chiếc bánh trôi nước trắng, tròn, chìm nổi

– Bài thơ là tiếng lòng cảm thông, xót xa cho thân phận lênh đênh, chìm nổi của người phụ nữ trong xã hội cũ. Là tiếng nói trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất trong sáng, tình nghĩa, sắt son của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa.

3. Giá trị nghệ thuật

– Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt

– Ngôn ngữ thơ bình dị, thành ngữ, mô-típ dân gian

– Sáng tạo trong việc xây dựng nhiều tầng ý nghĩa

III. Phân Tích Bài Thơ Bánh Trôi Nước

Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương là một bài vịnh độc đáo: vịnh một món ăn dân tộc, dân gian. Thiếu một bàn tay, một tâm hồn phụ nữ dân dã như bà thì có lẽ cái bánh trôi nước chưa đi vào được văn học.

Trước hết, bài thơ vịnh của Hồ Xuân Hương rất tài tình:

Thân em vừa trắng, lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Đây là lời tự giới thiệu của bánh: từ hình dáng, cấu tạo và cách chế tạo. Bánh trôi làm bằng bột nếp, nhào nước cho nhuyễn, rồi nặn thành hình tròn như quả táo, bọc lấy nhân bằng đường đen, nước sôi thì bỏ vào luộc, khi chín thì bánh nổi lên. Người nặn bột làm bánh phải khéo tay thì bánh mới đẹp, nếu vụng thì bánh có thể bị rắn hay bị nhão. Nhưng dù thế nào thì bánh vẫn phải có nhân. Thiếu nhân, bánh sẽ rất nhạt nhẽo. Đọc bài thơ, ta thấy hiện lên đúng là bánh trôi nước, không sai một li.

Hình ảnh trong bài thơ là bánh trôi nước. Nhưng bài thơ đâu phải là tác phẩm quảng cáo cho một món ăn dân tộc. Thơ vịnh chỉ thực sự có ý nghĩa khi có sự gửi gắm tình cảm, tư tưởng của nhà thơ. Bài thơ của Hồ Xuân Hương, vì thế, còn là lời tự bộc bạch của một tấm lòng phụ nữ. Ta có thể nói nhà thơ mượn lời cái bánh trôi để nói lên thân phận và tấm lòng người phụ nữ. Bánh trôi là một hình ảnh gợi hứng, một ẩn dụ.

Thân em vừa trắng, lại vừa tròn

Thân trắng vừa tả cái bánh bằng bột trắng, vừa tả tấm thân trắng đẹp, phẩm hạnh trong trắng. Tròn vừa có nghĩa là em được phú cho cái hình dáng tròn, lại vừa có nghĩa là em làm tròn mọi bổn phận của em.

Bảy nổi ba chìm với nước non

Bảy nổi ba chìm là thành ngữ chỉ sự trôi nổi, lênh đênh của số phận giữa cuộc đời. Nước non là sông, biển, núi, non, chỉ hoàn cảnh sống, suy rộng ra là đời, cuộc đời con người.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Đây là hình ảnh may rủi mà đời người phụ nữ rơi vào. Trong xã hội cũ trọng nam khinh nữ, số phận người phụ nữ đều do người đàn ông định đoạt. Cho nên người con gái trong ca dao cảm nhận:

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

Thân em như thể cánh bèo

Ngược xuôi, xuôi ngược theo chiều nước trôi

Những câu ca dao thể hiện một ý thức an phận, cam chịu. Cái duy nhất họ làm chủ được là tấm lòng mình:

Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Người phụ nữ vẫn giữ niềm thủy chung, son sắt, bất biến với mối tình. Một lời nói thể hiện niềm tự hào kín đáo về phẩm chất thuỷ chung của người phụ nữ. Tuy nhiên, cả bài thơ vẫn thấm đượm nỗi cảm thương cho thân phận. Thân trắng, phận tròn mà phải chịu cảnh ba chìm bảy nổi, không làm chủ được mình.

Trên đây, Baithohay.com đã chia sẻ cho bạn bài thơ Bánh trôi nước của nhà thơ tài hoa Hồ Xuân Hương. Bài thơ không chỉ hay mà còn bày tỏ nỗi niềm xót thương cho thân phận và cuộc đời của người phụ nữ Việt Nam xưa. Hy vọng bạn có thể cảm nhận được ý nghĩa của bài thơ tuyệt vời này. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!